Trong kỷ nguyên mà các thiết bị thông minh như smartphone, tablet hay laptop đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận, việc một người dùng sở hữu nhiều hơn một thiết bị là điều hết sức phổ biến. Để phát huy tối đa sức mạnh của chúng, việc duy trì một kết nối Internet ổn định và liên tục cho các thiết bị này là điều hết sức cần thiết.
Ở nhà, văn phòng hay trường học, người dùng có thể dễ dàng đạt được điều này do mạng Wi-Fi hầu như đã được phủ kín tại các địa điểm trên. Nhưng khi họ ra ngoài đường, họ lại gặp rất nhiều trở ngại. Giải pháp đầu tư cho mỗi thiết bị một thẻ SIM và gói 3G/4G khác nhau sẽ đem lại tính hiệu quả cao, tuy nhiên lại rất tốn kém. Một cách khác tiết kiệm hơn là sử dụng một chiếc smartphone với kết nối mạng để tạo điểm truy cập cá nhân cho các thiết bị khác kết nối, tuy nhiên cách này lại có nhược điểm là nhanh chóng đốt sạch pin của chiếc smartphone này, kèm theo khả năng chịu tải không tốt (do chip Wi-Fi trên smartphone sinh ra để thu sóng là chủ yếu chứ không phải là phát sóng) khiến kết nối đến các thiết bị khác không ổn định.
Chính từ nhu cầu của người dùng và những hạn chế của các phương pháp trên, các nhà sản xuất đã cho ra đời các sản phẩm bộ phát Wi-Fi di động. Và với việc mạng 4G LTE đã bắt đầu được triển khai tại Việt Nam và sẽ sớm trở thành chuẩn phổ biến, D-Link cũng là một trong số những nhà sản xuất bắt kịp xu thế này và tung ra thị trường những bộ phát Wi-Fi di động hỗ trợ 4G tại thị trường nước ta, trong đó chiếc DWR-932C mà chúng tôi sẽ đánh giá ngày hôm nay là một trong số đó.
THÔNG SỐ KỸ THUẬT:
- Băng tần hỗ trợ:
+ LTE: Band 1,3,7,8,20,38,40
+ WCDMA B1/B8
+ GSM: 850/900/1800/1900 MHz
- Tốc độ tối đa: 150Mbps Down, 50Mbps Up (LTE Cat 4)
- Chuẩn Wi-Fi: 802.11b/g/n, bảo mật WPA/WPA2
- Khe cắm: mini SIM (hay còn gọi là SIM to) và microSD
- Pin: Li-Ion 2000mAh
- Thẻ nhớ: 32GB
Để đạt được trọng lượng nhẹ, khả năng thu phát sóng tốt và mức giá rẻ, DWR-932C-E1 được làm hoàn toàn bằng nhựa. Trong đó, phần mặt trên của nó có đường chạy ngang để hiển thị trạng thái được làm bằng nhựa bóng khá dễ xước, còn mặt sau được làm sạng nhám, cầm thích tay. Nó sở hữu 3 đèn LED chính bao gồm tín hiệu mạng 3G/4G, tình trạng Wi-Fi và thời lượng pin kiêm nguồn. Ở bên cạnh phải là nút bật/tắt thiết bị và kích hoạt tính năng WPS. Ở bên cạnh trái là cổng microUSB để sạc và kết nối với máy tính (trong trường hợp người dùng muốn kết nối qua dây cáp mà không sử dụng Wi-Fi).
Mặt trên của thiết bị với lớp nhựa đen bóng
Ba đèn LED trạng thái
Cạnh phải là cổng micro USB
Đối với một sản phẩm có tính di động cao như bộ phát Wi-Fi di động, kích thước và trọng lượng là một điều rất cần thiết. So sánh với những chiếc smartphone, rõ ràng là kích thước của DWR-932C là nhỏ gọn hơn rất nhiều và người dùng có thể dễ dàng bỏ vào balo, túi xách hay ngay cả túi quần. Tuy nhiên, độ dày hơn chiếc điện thoại vẫn sẽ khiến túi quần của bạn "u" lên khá nhiều.
Khi bật nắp lưng, chúng ta sẽ thấy viên pin, khe cắm SIM, khe cắm thẻ nhớ microSD và lỗ chọc Reset của bộ phát này.
Sử dụng miniSIM (loại SIM lớn nhất, còn được biết đến với tên gọi SIM "to"), có thể coi đây vừa là một ưu điểm, vừa là một yếu điểm của bộ phát này. Ưu điểm là tính tương thích của sản phẩm này sẽ cao hơn (do có thể hỗ trợ mọi loại SIM trên thị trường). Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nếu như D-Link tặng kèm người dùng một bộ áo SIM đi kèm để họ không gặp khó khăn khi sử dụng microSIM hay nanoSIM.
Thời lượng pin của D-Link DWR-932C-E1 cũng đạt đúng theo mức quảng cáo của nhà sản xuất này. Trong quá trình sử dụng và làm việc thông thường (hai thiết bị giữ kết nối liên tục nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng mạng), thiết bị đạt thời lượng pin 5 tiếng rưỡi, cao hơn nửa tiếng so với mức công bố của nhà sản xuất công bố.
Pin có dung lượng 2000mAh, cho thời gian sử dụng tối đa 5 tiếng
Quá trình cài đặt hết sức đơn giản, và thực chất là người dùng không cần thiết lập bất kỳ thông số nào. Chỉ cần cắm SIM, bật nguồn, kết nối Wi-Fi bằng SSID và mật khẩu mặc định là người dùng đã có thể vi vu ở trên mạng. Cần lưu ý rằng khi bộ phát đang hoạt động, ba đèn LED trên thân máy sẽ liên tục nháy sáng và có thể sẽ tạo cảm giác hơi khó chịu khi sử dụng trong tối.
Các khe cắm SIM, thẻ nhớ. SSID và mật khẩu mặc định cũng là điều mà người dùng cần ghi nhớ. Rất may mắn, D-Link còn ghi thông tin này trên nắp pin, vậy nên người dùng sẽ không cần tháo pin ra mỗi khi cần xem lại. Đương nhiên, người dùng sẽ có thể thay đổi SSID và mật khẩu trong phần cài đặt.
Thử nghiệm so sánh tốc độ 4G mạng Viettel giữa D-Link DWR-932C-E1 và LG G6, tốc độ của D-Link tuy có thấp hơn một chút nhưng không đáng kể và có thể chấp nhận được. Trong điều kiện sóng 4G tốt (4 vạch), HTC U11 đạt tốc độ download/upload lần lượt 18.9Mbps/20.02Mbps và ping là 32. Với iPhone 6s Plus cũng có mức ping tương tự, nhưng tốc độ khác đôi chút, đạt 22.26Mbps/19.06Mbps.
Mặc dù vậy, mình vẫn mong đợi nhiều hơn từ một thiết bị như thế này. 5 tiếng vẫn là chưa thật sự đủ cho một ngày làm việc, đặc biệt khi người dùng đi các chuyến công tác và di chuyển liên tục, không có điều kiện để sạc. Rất may mắn, D-Link DWR-932C-E1 có thể phát Wi-Fi và sạc đồng thời (thông qua bộ sạc đi kèm hoặc pin dự phòng). Tuy nhiên, người dùng sẽ cần bật bộ phát trước rồi mới tiến hành sạc, còn trong trường hợp bộ phát hết pin và người dùng cắm sạc, nó sẽ không cho phép người dùng bật lên.
Giao diện web của D-Link DWR-932C-E1 bên cạnh một số cài đặt về Wi-Fi (SSID, bảo mật, kênh sóng, DHCP) và mạng di động (APN, username, password) thì còn sở hữu một số tính năng bổ trợ như MAC filter (lọc địa chỉ MAC), IP filter (lọc địa chỉ IP), URL Filter (lọc các trang web), port forwarding, quản lý máy khách đang kết nối và tường lửa. Ngoài ra, người dùng cũng có thể nhận/gửi SMS và sử dụng USSD code để nạp tiền vào tài khoản. Tuy nhiên trong kỷ nguyên của di động và smartphone hiện nay, việc giao diện web không hỗ trợ thiết bị di động là một thiếu sót lớn. Sẽ là lý tưởng hơn nếu như D-Link phát triển một ứng dụng trên smartphone nhằm đơn giản hóa khâu quản lý và thiết lập.