Danh mục sản phẩm

Trải nghiệm Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước

  • Thứ hai, 18/06/2018, 17:58 GMT+7
  • 2244 lượt xem

Lần trước hồi Ryzen mới ra mắt mình đã có cơ hội trải nghiệm con Ryzen 7 1700 và hôm nay mình sẽ tiếp tục thử nghiệm phiên bản thay thế của nó: Ryzen 7 2700. Lần này thì con Ryzen 7 rẻ nhất thuộc thế hệ Ryzen 2000 series của AMD có giá khoảng $299, so với Ryzen 7 1700 hồi mới ra thì rẻ hơn $30 và cũng rẻ hơn phiên bản có X (Ryze 7 2700X) $30. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì Ryzen 7 2700 lại đang bán ở mức giá khoảng 8,7 triệu đồng, cao hơn khoảng 700 ngàn so với giá hiện tại của Ryzen 7 1700. Mình từng dùng Ryzen 7 1700 và rất muốn test xem Ryzen 7 2700 có đáng để nâng cấp hay không.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC

Ryzen 7 2000 series có nhiều cải tiến với kiến trúc Zen+, tiến trình được thu nhỏ xuống còn 12 nm LP GloFo trong khi thế hệ Ryzen 7 1000 series là 14 nm LPP GloFo. Thành ra với cùng thiết lập nhân luồng, Ryzen 7 2700 hứa hẹn sẽ tiêu thụ ít điện năng hơn, xung nhịp cơ bản lẫn Boost đều cao hơn. Ngoài ra, bộ nhớ RAM hỗ trợ mặc định là DDR4-2933 MHz, xung cao hơn so với DDR4-2667 MHz trên Ryzen 7 1700. Một công nghệ rất mới được AMD trang bị trên dòng Ryzen 7 2700 là StoreMI - công nghệ tăng tốc cho ổ cứng cơ nhưng mình chưa thể test được cho anh em trong bài này do thiếu thiết bị. Các tính năng còn lại của Ryzen 7 2700 vẫn tương tự Ryzen 7 1700 như SenseMI, XFR, hỗ trợ ảo hóa …

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC


Mặc dù vẫn hỗ trợ các bo mạch chủ 300 series nhưng song song với sự ra mắt của dòng Ryzen 2000 series thì AMD cũng giới thiệu nền tảng bo mạch chủ 400 series. Nếu anh em mua Ryzen 7 2700 chạy trên bo X370 chẳng hạn thì anh em cần phải cập nhật BIOS trước để có thể hỗ trợ dòng chip mới này, riêng với bo mạch chủ X470 thì gắn vào là chạy thôi. Dòng bo X470 về cơ bản vẫn tương tự X370 về số lane hỗ trợ, số cổng SATA, USB … nhưng có 2 điểm khác và 2 điểm này cũng chỉ phát huy hiệu quả khi dùng với Ryzen 2000 series. Như đã nói ở trên, Ryzen 7 2700 chẳng hạn mà anh em dùng với bo X470 thì hỗ trợ bộ nhớ RAM xung cao hơn và StoreMI. Nếu anh em dùng X370 hay B350 chẳng hạn với Ryzen 7 2700 thì xung nhịp bộ nhớ RAM tối đa theo mặc định bị hạn chế (anh em xài RAM OC vẫn có thể OC lên được) cũng như không hỗ trợ StoreMI trừ khi anh em mua thêm phần mềm FuzeDriver for Ryzen - công nghệ nền tảng của StoreMI được bán khoảng $20.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC

Cấu hình thử nghiệm:
Bo mạch chủ: ASRock X470 Taichi Ultimate;
CPU: AMD Ryzen 7 2700 (Zen+) 8 nhân 16 luồng, xung gốc 3,2 GHz (4,1 GHz Turbo), L3 Cache 16 MB;
Tản nhiệt: AMD Wraith Spire (đi cùng với Ryzen 7 2700);
GPU: MSI Geforce GTX 1080 Gaming X 8G, xung nhịp tối đa 1847 MHz (OC), 8 GB GDDR5X 256-bit;
RAM: 2 x G.Skill SniperX F4-3400C16D 8 GB DDR4-3400, dual-channel;
Ổ lưu trữ: Samsung EVO 850 256 GB SATA;
Nguồn: CoolerMaster 1250 W.

Bo mạch chủ ASRock X470 Taichi Ultimate hỗ trợ hoàn toàn Ryzen 7 2700 và tất cả các thử nghiệm mình chạy với BIOS 1.1 phiên bản ổn định của dòng bo này. Hiện tại đã có các phiên bản BIOS cao hơn như 1.3 nhưng vẫn đang trong giai đoạn beta.

Trường hợp đầu tiên mình thử nghiệm với các thông số mặc định, Ryzen 7 2700 không OC, RAM chạy kênh đôi ở xung mặc định 2133 MHz và một thiết lập khác là OC đẩy xung CPU lên 4 GHz, RAM chạy kênh đôi ở xung 3200 MHz (CL14), thực ra kit RAM này có thể chạy max xung 3400 MHz nhưng mình thử đẩy lên tối đa nhưng không ổn định, đành dừng ở 3200 MHz. Mục đích của mình là cho anh em thấy cái nhìn cơ bản về hiệu năng hệ thống trước và sau khi tinh chỉnh.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC

 

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC

Với Cinebench R15, điểm số xử lý đa nhân đa luồng và đơn nhân đơn luồng của Ryzen 7 2700 chênh rất rõ ràng giữa 2 thiết lập mặc định và OC. Ở 4 GHz, điểm số đa nhân lên đến 1822, cũng là cao nhất trong bảng này khi so với Ryzen 7 1700 với 2 mức xung là 3 GHz và 3,8 GHz. Tuy nhiên, xung đơn nhân lại không cao vượt trội, nó chỉ đạt 167 điểm và mình đã bench nhiều lần để lấy điểm số cao nhất. Lần trước mình có mượn một dàn máy chạy Core i7-7700K và điểm đơn nhân của con CPU này đến 188 điểm. Thành ra đơn nhân vẫn là một điểm yếu của dòng Ryzen.

So với Ryzen 7 1700 thì ở thiết lập mặc định không OC, hiệu năng đa nhân đa luồng của Ryzen 7 2700 cao hơn khoảng 21 - 22% và hiệu năng đơn nhân tăng khoảng 15,5%. Riêng so giữa 2 thiết lập mặc định và OC trên con Ryzen 7 2700, mức xung 4 GHz và RAM tăng lên 3200 MHz mang lại cho anh em thêm 7,5% hiệu năng xử lý đa nhân đa luồng nhưng chỉ 2% đơn nhân.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC


Cũng cần phải lưu ý là kit RAM lần này mình test là G.Skill Sniper X 2 x 8 GB DDR4-3400 coi bộ không ngon bằng kit G.Skill TridentZ 2 x 8 GB DDR4-3600 mà mình test lần trước với Ryzen 7 1700. Dòng TridentZ vẫn cao cấp hơn và độ trễ thấp hơn với timing 15-15-15-15-36 mặc định khi chạy ở 2133 MHz còn Sniper X ở xung mặc định 2133 Mhz có timing 16-16-16-16-36. Kit Sniper X mình OC lên 3200 MHz với timing 14-14-14-14-34 thì tốc độ có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với kit TridentZ chạy ở 2800 MHz với cùng timing.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC


Qua trải nghiệm nhanh giữa 2 chế độ mặc định và OC thì mình nhận thấy con Ryzen 7 2700 này cùng với tản nhiệt Wraith Spire và bo mạch chủ ASRock X470 Taichi Ultimate rất dễ OC. Trước đây thời Ryzen 7 1700, lúc đó mọi thứ còn mới mẻ và việc OC với tản nhiệt khí đi kèm CPU khá khó khăn, BIOS thời đó cũng chưa ổn định và nhiều tính năng còn chưa hỗ trợ đầy đủ. Giờ thì chỉ 1 lần duy nhất chỉnh xung lên 4 GHz, tiêm cho CPU 1,4 V, RAM cũng bật XMP lên chỉnh 3200 MHz, chích cho RAM 1,35 V và chỉnh lại tí về timing thì hệ thống có thể chạy ngọt luôn, không bị treo giật lag gì hết. Đây là điều mình thích nhất khi test hệ thống này bởi thời gian thử nghiệm được rút ngắn xuống rất nhiều. Thế nên nếu anh em có nhu cầu OC thì có thể thiết lập theo mình cũng được, thậm chí với những hệ thống tản nhiệt xịn hơn thì có thể đẩy xung CPU lên trên 4 GHz.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC



Đây là kết quả PCMark 8 Home và Work so ánh giữa Ryzen 7 2700 và Ryzen 7 1700 với cả 2 thiết lập mặc định và OC. Có thể thấy Ryzen 7 2700 đạt hiệu năng cao hơn đáng kể với xung mặc định dù chỉ cao hơn 200 MHz so với Ryzen 7 1700. Cụ thể Ryzen 7 2700 chạy ở 3,2 GHz đạt 4893 điểm, cao hơn 840 điểm so với Ryzen 7 1700 chạy ở 3 GHz và tương tự, PCMark 8 Work cũng cao hơn đến 1200 điểm. Dù vậy, khi OC lên 4 GHz thì mức chênh lệch lại không nhiều so với xung mặc định, chỉ hơn khoảng 100 điểm. Mình kiểm tra biểu đồ xung và nhiệt khi thực hiện bài test này thì không nhận ra điều gì bất thường, CPU vẫn dễ dàng duy trì xung tối đa 4 GHz, nhiệt độ cũng khá là mát, tối đa 66 độ C với tản nhiệt Wraith Spire. Có lẽ PCMark 8 vẫn chưa tương thích tốt với các vi xử lý Ryzen 2000 series.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC

3DMark thì sao? Hiệu năng xử lý đồ họa giữa 2 chế độ mặc định và OC trên hệ thống này rất khác. Với GPU GeForce GTX 1080 (MSI GeForce GTX 1080 X Gaming chạy mặc định), CPU lên 4 GHz và RAM chạy ở xung 3200 MHz cho ổn định, kết quả 3DMark Cloud Gate chênh đến gần 7000 điểm. Tiếp đó là Sky Diver - bài test đánh giá hiệu năng đồ họa game thì OC chênh mặc định khoảng 4600 điểm, riêng bài test Fire Strike với 3 độ phân giải là FHD, 2K và 4K thì điểm số chênh lệch không nhiều, điểm Time Spy test tổng hợp cũng chỉ chênh chưa đến 100 điểm bởi các bài test này dùng GPU nhiều hơn. Như vậy có thể hình dung hiệu năng chơi game của Ryzen 7 2700 nếu anh em OC lên thì hiệu năng sẽ tăng khoảng từ 11 đến 12%.

Trải nghiệm nhanh Ryzen 7 2700: đa nhân cao hơn 20% so với thế hệ trước, dễ OC

Tương tự mình đối chiếu điểm Physics thiên về CPU trên các bài test 3DMark như Cloud Gate, Fire Strike Ultra (4K), Sky Diver và Time Spy giữa các thiết lập xung CPU và xung RAM giữa Ryzen 7 1700 và Ryzen 7 2700 để xem sự chênh lệch về hiệu năng xử lý khi chơi game giữa 2 thế hệ CPU. Kết quả:

Với thiết lập xung mặc định của Ryzen 7 1700 3 GHz, RAM 2133 MHz và Ryzen 7 2700 3,2 GHz, RAM 2133 MHz thì % hiệu năng tăng thêm là 11,5% Cloud Gate Physics, 7,41% Fire Strike Ultra Physics, 7,34% Sky Diver Physics và 20,3% với Time Spy CPU Score.

Nếu ép xung Ryzen 7 1700 lên 3,8 GHz, RAM 2933 MHz (xung ổn định nhất lúc mình test) và Ryzen 7 2700 lên 4 GHz, RAM 3200 MHz thì sự chênh lệch cao hơn đáng kể với 18,11% Cloud Gate Physics, 15,18% Fire Strike Ultra Physics, 13,75% Sky Diver Physics và 17,05% Time Spy CPU Score.

Dĩ nhiên hiệu năng chơi game còn phụ thuộc rất nhiều vào card đồ họa nhưng qua điểm xử lý Physics của các bài test này thì chúng ta có thể hình dung sự tăng tiến về hiệu năng giữa 2 thế hệ CPU Ryzen và bạn sẽ thấy rõ điều này nếu chơi những tựa game dùng nhiều CPU hơn GPU điển hình như những tựa game multiplayer hay những tựa game MMO mà chúng ta có thể gọi tên như Planetside, ARMA 3, GTA V, Ashes of the Singularity, BF1 Multiplayer, Civilization, Total War: WARHAMMER 2, Assassin's Creed: Origins và mới nhất là Far Cry 5.

Nhiệt độ và OC, vài điều lưu ý!


Ở thiết lập mặc định, Ryzen 7 2700 chạy khá mát với tản nhiệt Wraith Spire. Khi không tải, xung CPU thường đưa xuống khoảng 1,5 - 1,6 trên toàn nhân, điện áp vào khoảng 0,9 V trung bình và nhiệt độ toàn CPU chỉ vào khoảng 31 đến 37,4 độ C. Khi stress, công nghệ XFR2 giúp mở rộng xung nhịp lên trên 3,2 GHz, mình nhận thấy CPU thường chạy ở 3,35 GHz thay vì 3,2 GHz xung Boost, điện áp vào CPU trung bình 1,030 V và nhiệt độ CPU tối đa cũng chỉ vào khoảng 60 độ C. Như vậy Ryzen 7 2700 và tản nhiệt Wraith Spire đi kèm đủ đảm bảo hiệu năng theo thông số thiết kế.

Khi OC, mình cho xung CPU lên 4 GHz, điện áp lên 1.4 V tối đa thì khi không tải, xung CPU vào khoảng 1,55 GHz, điện áp vào 1,142 V trung bình và nhiệt độ khoảng 45 độ C. Khi stress ở thiết lập OC này, xung CPU dễ dàng đạt được mức 4 GHz trên toàn nhân, điện áp vào trung bình 1,394 V nhưng nhiệt độ CPU không còn lý tưởng, Wraith Spire tỏ ra đuối sức khi để nhiệt CPU dễ dàng leo lên mức 90 độ , sau đó hệ thống buộc phải cắt xung để đưa nhiệt xuống 87,5 độ C. Wraith Spire đạt tốc độ quạt tối đa khoảng 2050 rpm. Thiết lập này dù đã giúp mình thực hiện thành công tất cả các bài test nhưng nếu anh em dùng hàng ngày để chơi game thì anh em cần phải đầu tư một cái tản nhiệt khác tốt hơn bởi về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ CPU.


Mình thử giảm mức xung xuống còn 3,6 GHz,, giảm điện áp xuống 1,3 V và cho stress test lại thì hệ thống chạy ổn định hơn với nhiệt độ CPU tối đa 84,5 độ C. Như vậy, nếu anh em muốn dùng tản nhiệt Wraith Spire và vẫn muốn ép xung thì mức xung tối ưu nhất theo mình sẽ vào khoảng 3,4 GHz. Nếu anh em dùng tản nhiệt nước thì việc đưa xung Ryzen 7 2700 lên mức 4 GHz hoặc hơn là hoàn toàn có thể và thậm chí chạy ổn định luôn.

Trên đây là những thử nghiệm của mình với Ryzen 7 2700, vẫn còn một vài tính năng nữa mà mình chưa thể test hết cho anh em xem như StoreMI nhưng với những con số benchmark thì hy vọng anh em có thể hình dung sự cải tiến về hiệu năng giữa 2 thế hệ CPU Ryzen này. Với tỉ lệ chênh lệch hiệu năng xử lý đơn nhân cao hơn 15% và đa nhân 20% thì mình thấy vẫn chưa có nhiều lý do để nâng cấp Ryzen 7 2700 nếu đang sử dụng Ryzen 7 1700 hay 1700X/1800X. Tuy nhiên, nếu anh em mới bắt đầu chơi Ryzen, sắm mới hoàn toàn thì Ryzen 7 2700 dĩ nhiên tốt hơn so với Ryzen 7 1700 vào thời điểm này, hiệu năng mặc định cao hơn, dễ OC trên nền tảng bo mạch chủ X470.

Theo tinhte.vn

Đánh giá
  • Bình chọn sản phẩm này: