Nói đơn giản nhất, các phiên bản này hoàn toàn giống với Windows tiêu chuẩn nhưng không bao gồm Windows Media Player và các tính năng đa phương tiện.
Nếu đi sâu hơn, giữa "K" và "KN" còn có một số khác biệt sau
Windows "N" được phát hành tại Châu Âu và không bao gồm các tính năng liên quan đến đa phương tiện. Trên Windows 7, phiên bản "N" không có Windows Media Player và Windows Media Center, còn với Windows 10 sẽ không có Windows Media Player, Groove Music, Movies & TV, Voice Recorder và Skype.
Windows "KN" phát hành tại Hàn Quốc và cũng không có các tính năng đa phương tiện tương tự Windows "N". Microsoft cũng loại bỏ trình nhắn tin Windows Messenger khỏi Windows "KN", tuy nhiên nó đã bị khai tử cách đây ít năm.
Những khu vực này vẫn bán Windows tiêu chuẩn, tức nếu sống tại Châu Âu hay Hàn Quốc thì bạn không bắt buộc phải mua các phiên bản "N" hay "KN" này.
"N" không phải phiên bản hoàn toàn độc lập Windows, mỗi phiên bản Windows đều có một bản "N" của riêng mình. Ví dụ, nếu muốn mua Windows 10, bạn có thể chọn Windows 10 Home N hoặc Windows 10 Pro N. Tất cả các phiên bản trên đều có tính năng giống hệt Windows 10 Home hoặc Pro ngoại trừ các tính năng đa phương tiện đã đề cập ở trên.
Lý do việc tồn tại các phiên bản Windows "K" hoặc "KN" hoàn toàn đến từ pháp lý. Năm 2004, Microsoft bị cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền của Ủy ban Châu Âu (EU), lợi dụng thế độc quyền trên thị trường làm ảnh hưởng đến các ứng dụng xem phim, nghe nhạc khác. EU sau đó phạt Microsoft 500 triệu Euro và bắt Microsoft tạo một phiên bản Windows không bao gồm Windows Media Player. Người dùng và hãng sản xuất máy tính có thể lựa chọn phiên bàn này rồi cài đặt bất cứ trình đa phương tiện nào mà họ thích.
Cũng tương tự, năm 2005 Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc cáo buộc Microsoft lạm dụng thế độc quyền làm ảnh hưởng đến các ứng dụng đa phương tiện và nhắn tin. Microsoft bị phạt 32 triệu USD và bị buộc làm một phiên bản Windows không bao gồm Media Player và MSN Messenger, đó chính là Windows "KN".
Còn nhiều tính năng khác bị ảnh hưởng
Không đơn giản chỉ là bỏ bớt Windows Media Player, các phiên bản trên cũng không bao gồm bộ giải mã (codec) có thể gây ảnh hưởng đến một số ứng dụng khác.
Khá nhiều ứng dụng từ Microsoft Office đến một số game đều dựa trên tính năng phát video của Windows, và chúng có thể hoạt động không đúng cách hoặc thậm chí không chạy được.
Trên Windows 10, Cortana, Windows Hello, tính năng xem file PDF trong Edge hay Multimedia trong Store cũng không hoạt động được. Microsoft có cung cấp website ghi thông tin chi tiết về các tính năng bị loại bỏ này.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cài lại chúng miễn phí
Thực chất, các tính năng đa phương tiện không hề bị chặn hoàn toàn trên Windows "N" hay "KN", chúng chỉ không được cài sẵn mà thôi.
Nếu muốn kích hoạt các tính năng trên, bạn có thể tải về bộ Media Feature Pack hoàn toàn miễn phí từ Microsoft cho phiên bản Windows đang sử dụng (Windows 10, Windows 8, Windows 7).
Nguồn: Vnreview.vn