Danh mục sản phẩm

Chuyện gì xảy ra với tài khoản Facebook nếu bạn qua đời?

  • Thứ hai, 24/04/2017, 14:27 GMT+7
  • 912 lượt xem
 
Vụ việc tuy chỉ là của một trường hợp đơn lẻ, nhưng lại chạm tới vấn đề rất phức tạp mà lâu nay dường như có một giải pháp triệt để và thấu đáo, đó là phương thức cũng như quyền hạn xử lý với các 'di sản số' của ai đó sau khi họ qua đời.
 
Theo đài DW (Đức), phiên tòa bắt đầu diễn ra ngày 25-4, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Tòa đang dành thêm 2 tuần nữa cho các bên nguyên đơn và bị đơn tìm ra một thỏa thuận với nhau ngoài phiên tòa.
 
Con gái của hai vợ chồng người Đức này tử vong ở một ga tàu điện ngầm tại Berlin khi cô bé bị một đoàn tàu lao tới cán qua người từ 5 năm trước.
 
Cho tới bây giờ, cha mẹ cô bé vẫn không biết đó có phải là một vụ tự tử không. Để khép lại nỗi đau này, họ muốn truy cập vào tài khoản Facebook của con để đọc các nội dung cũng như tin nhắn trên đó với hy vọng hiểu rõ nguyên nhân cái chết của con mình.
 

Coi tin nhắn Facebook như thư từ?

 
Vấn đề đặt ra là liệu cha mẹ cô bé có quyền sở hữu các tài khoản trên mạng giống như những tài sản cá nhân thực tế khác của con họ không?
 
Trong phiên tòa xét xử lần đầu tại tòa án cấp quận ở Berlin tháng 12-2015, các thẩm phán ra phán quyết ủng hộ cha mẹ cô bé, yêu cầu Facebook phải cấp cho họ quyền truy cập vào tài khoản của con họ.
 
Các thẩm phán lập luận, các tài sản trên mạng cần được ứng xử tương tự như với các tài sản bình thường khác. Nếu không, theo họ sẽ dẫn tới một nghịch lý bất thường là thư từ và nhật ký thì có thể sở hữu nhưng email và các nội dung trên Facebook lại không.
 
Họ cũng cho rằng việc trao quyền truy cập tài khoản Facebook cho cha mẹ cô bé sẽ không vi phạm tới các quyền riêng tư, vì phụ huynh được phép biết con họ làm những gì khi chúng có các hoạt động giao tiếp trên mạng ở lứa tuổi vị thành niên.
 
Tuy nhiên tập đoàn Facebook đã kháng cáo phán quyết của phiên tòa, cho rằng nó đã ảnh hưởng tới quyền của những người dùng Facebook khác, tức là những người đã có liên lạc, trao đổi với cô bé đã mất. Theo Facebook, quyền của những người đó đương nhiên cũng phải được bảo vệ.
 

Các 'di sản' ở thời đại số

 
Vấn đề ứng xử ra sao với các 'di sản số' trong thời đại của chúng ta đang ngày càng trở nên quan trọng. Di sản số có thể bao gồm các dòng tweet trên Twitter, các đoạn cập nhật trạng thái trên Facebook và các câu chuyện trên Instagram….
 
Đã bao giờ bạn nghĩ tới việc bạn muốn chuyện gì sẽ xảy ra với các di sản số đó sau khi bạn qua đời?
 
Trên thực tế Facebook đã thiết lập nhiều phương án giúp người dùng có thể kiểm soát tài khoản trên mạng xã hội của họ ở thời điểm sau khi đã chết.
 
Một lựa chọn trong đó là tự xóa sổ vĩnh viễn tài khoản của bạn. Người dùng có thể cài đặt sẵn lựa chọn này chỉ với một vài cú nhấp chuột.
 
Một lựa chọn khác bớt cực đoan hơn là để tài khoản ở trạng thái 'tưởng niệm'. Nếu người dùng chọn cách này, khi anh/cô ấy qua đời, dòng chữ 'Remembering' (tưởng nhớ) sẽ xuất hiện bên cạnh tên người đó trên profile của họ.
 
Bạn bè và người thân có thể chia sẻ những kỷ niệm lên dòng thời gian của tài khoản tưởng niệm và các nội dung đã chia sẻ của người đã khuất vẫn còn nguyên trên Facebook.
 
Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất giữa một tài khoản tưởng niệm và một tài khoản của người đang sống là không ai có thể truy cập vào tài khoản tưởng niệm được nữa.
 
Đó cũng chính là vấn đề đang gặp phải trong phiên tòa tại Berlin. Cha mẹ cô bé đã cho phép con được tạo tài khoản Facebook khi cô bé mới 14 tuổi với điều kiện cô bé phải chia sẻ mật khẩu đăng nhập với họ.
 
Nhưng khi cô bé mất rồi, người mẹ cố gắng truy cập vào tài khoản Facebook của con thì nó đã chuyển sang chế độ tài khoản tưởng niệm và không thể truy cập được nữa. Chưa rõ ai đã kích hoạt tính năng tưởng niệm của tài khoản đó.
 
Chuyện gì xảy ra với tài khoản Facebook nếu bạn qua đời?
 

Chọn người thừa hưởng quyền thừa kế

 
Người dùng Facebook cũng có thể chọn một người được hưởng quyền thừa kế, tức là người sẽ trông nom tài khoản Facebook của họ sau khi nó đã được chuyển sang chế độ tưởng niệm.
 
Tuy nhiên chỉ những người dùng từ 18 tuổi trở lên mới có lựa chọn này. Do đó cô bé đã mất trong vụ kiện ở Berlin không có lựa chọn này.
 
Tuy nhiên ngay cả trường hợp cô bé được quyền lựa chọn đó thì người mẹ cũng không thể làm gì nhiều hơn với tài khoản của con gái. Bởi những gì có thể thao tác trên tài khoản tưởng niệm của một người được hưởng quyền thừa kế rất hạn chế.
 
Họ chỉ có thể 'ghim' lại một nội dung nào đó trên dòng thời gian của tài khoản người đã mất, như  thông tin về lễ tang, thay đổi hình đại diện hay lưu trữ các nội dung post và hình ảnh của người dùng….
 
Người được hưởng quyền thừa kế cũng không thể truy cập vào tài khoản gốc của người đã mất để đọc tin nhắn của họ. Trong khi đó mới chính là vấn đề mà người mẹ trong vụ kiện ở Berlin mong muốn nhất.
 

Những lời cuối cùng

 
Facebook còn có một app có tên là "If I die" (Nếu tôi chết) cho phép người dùng ghi trước lên đó lời nhắn cuối cùng sẽ hiển thị trên trang của họ sau khi chết.
 
Đương nhiên ứng dụng này chỉ liên quan tới những người dùng còn kịp có thời gian và có lý do để nghĩ về những lời cuối cùng của họ, không phải dành cho những người không may đột tử.
 
Người dùng ứng dụng "Nếu tôi chết" có thể viết một đoạn văn bản hoặc tải lên một video. Ứng dụng này sẽ chia sẻ các nội dung 'trăng trối' đó của họ lên Facebook sau khi ba người được ủy thác mà chủ tài khoản Facebook lựa chọn từ trước xác nhận việc họ đã qua đời.
 
Cho dù là lựa chọn hành xử nào đi nữa trong số các di sản số vừa nêu ở trên thì chúng sẽ chỉ có hiệu lực nếu chủ tài khoản Facebook đã thực hiện các bước cần thiết để thiết lập chế độ cho nó.
 
Và theo giảng viên công nghệ thông tin Brucker-Kley người Đức thì không nhiều người trẻ hiện nay, số người chiếm đa số trong cộng đồng Facebook, chọn cách làm như vậy.
 
 
Nguồn: tuoitre.vn
Đánh giá
  • Bình chọn sản phẩm này: