Sự xuất hiện của IoT đã mang đến hàng loạt bước tiến làm thay đổi thói quen sử dụng công nghệ của người dùng. Dưới đây là 8 công nghệ quan trọng được các chuyên gia đánh giá sẽ còn góp phần phát triển IoT hơn nữa.
1. LPWAN
LPWAN là giao thức cho phép các nhà cung cấp giải pháp thiết kế hệ thống IoT với chi phí thấp hơn, bảo mật tốt hơn và tuổi thọ dài hơn cho các cảm biến cùng các yêu cầu công suất thấp.
Bằng cách chỉ gửi các gói thông tin nhỏ định kỳ hoặc thậm chí không thường xuyên, LPWAN có sự linh hoạt hơn trong việc truyền tải "năng lượng thấp" trên "diện tích rộng".
Chính vì các đặc điểm độc đáo này, nhiều chuyên gia dự đoán trong 50 tỉ thiết bị được kết nối với IoT vào cuối năm 2021, sẽ có hơn 60% các thiết bị này sẽ được kết nối với LPWAN.
Do đó, các công nghệ khác ứng dụng LPWAN dự kiến cũng sẽ tăng với tốc độ 70% trong giai đoạn 2018-2023.
2. Wi-Fi AX
Chuẩn Wi-Fi AX (hay còn gọi là 802.11ax) là phiên bản kế thừa của chuẩn Wi-Fi 802.11ac hiện tại, vừa cải thiện tốc độ dữ liệu, vừa hoạt động với hiệu suất tốt hơn.
Tốc độ mà router này có thể đạt được lên tới 4,8Gbps trong 8 luồng 5GHz + 4 luồng 2,4GHz, cao hơn nhiều so với mức 1,7Gbps mà các router gia dụng có thể mang lại.
Đó là lý do chuẩn Wi-Fi này không chỉ tập trung vào việc tăng công suất tổng cộng của mạng, hay nói cách khác là tăng lượng người dùng có thể kết nối tại cùng một thời điểm, mà còn hỗ trợ cùng lúc nhiều thiết bị IoT.
3. WPA3
WPA3 là chuẩn bảo mật mới nhất cho các mạng Wi-Fi, được tạo ra nhằm mục đích đơn giản hóa quy trình bảo mật không dây theo nhiều cách khác nhau.
Với IoT, WPA3 sẽ cung cấp tính năng Wi-Fi Easy Connect, cho phép các thiết bị mới được thêm vào mạng không dây bằng cách quét mã phản hồi nhanh (QR) bằng điện thoại di động.
4. Cảm biến polyme
Với tốc độ đáp ứng 95% trong 1 giây, điện cực tự do, định vị và đảm bảo dữ liệu đáng tin cậy, các cảm biến được thiết kế bằng chất liệu polyme luôn hữu ích trong việc triển khai công nghệ IoT.
Qua nhiều nghiên cứu, các cảm biến polyme đã tạo ra niềm hy vọng trên một loạt các phương tiện, thiết bị IoT khi trở thành mạch điều khiển chính, có độ bền cao, hoạt động đáng tin cậy ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất như trong các môi trường có hàm lượng chất rắn hoặc chất oxy hóa cao mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
5. Vật liệu polyme
Công nghệ này cực kỳ quan trọng vì không chỉ ứng dụng trong cảm biến, nhiều thiết bị IoT còn sử dụng polyme làm vật liệu chính, giúp thiết bị trở nên mềm dẻo mà vẫn cứng cáp, hạn chế các vết nứt hoặc các dấu hiệu hư hại khác của trên lớp vỏ cơ học.
6. Graphene
Được xem là một loại siêu vật liệu, graphene được nhiều nhà nghiên cứu "nuôi" trên kim loại bằng quá trình lắng hơi hóa học plasma hỗ trợ để tạo ra những tấm carbon chỉ dày một nguyên tử
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Manchester gần đây đã thiết kế các cảm biến graphene được nhúng vào RFID nhằm tạo ra một cấu trúc dị thể linh hoạt cho các thiết bị IoT.
Điều này cho thấy graphene không chỉ là chất liệu lý tưởng dùng cho các dụng cụ điện tử mà còn phù hợp với công nghệ IoT cần độ dẫn điện và dẫn nhiệt cao.
7. 5G
Mạng di động 5G sẽ được thiết lập rộng rãi vào năm 2019, kéo theo tốc độ dữ liệu dự đoán có thể nhanh hơn từ 10 đến 20 lần.
Việc triển khai này song song với mạng 4G hiện tại sẽ cải thiện rất lớn về lưu lượng dữ liệu và là một bước tiến mạnh mẽ đối với các thiết bị IoT.
8. AI
Sử dụng AI để phân tích hình ảnh từ các dữ liệu lớn và tạo ra các phương thức quản lý tự động được dự đoán sẽ là yếu tố chính trong các mạng IoT trong tương lai.
Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, tương lai của IoT chắc chắn sẽ được gắn kết chặt chẽ với nhiều phát kiến thông minh mang tính tầm cỡ hơn nữa.
Theo tuoitre.vn